Chính quyền Tiểu bang Chính_trị_Hoa_Kỳ

Trước khi độc lập, dưới thẩm quyền của vương triều Anh, các khu định cư được quyền tự trị và độc lập với nhau. Trong giai đoạn đầu của nền cộng hoà còn non trẻ, trước khi có Hiến pháp, mỗi tiểu bang hầu như là một đơn vị hành chính tự trị. Các đại biểu của Quốc hội Lập hiến tìm kiếm một thể chế liên bang mạnh mẽ và khả thi hơn, nhưng không thể bỏ qua các truyền thống tiểu bang cũng như quyền lợi của các chính trị gia ở các tiểu bang.

Nhìn chung, các vụ việc bên trong địa giới tiểu bang là thuộc phạm vi quyền hạn của chính quyền tiểu bang, bao gồm truyền thông nội bang; các pháp qui về tài sản, công nghiệp, doanh nghiệp, tiện ích công; luật hình sự tiểu bang; và điều kiện làm việc trong tiểu bang. Trong khuôn khổ này, Chính quyền liên bang yêu cầu chính quyền tiểu bang phải theo mô hình thể chế cộng hoà, và luật lệ tiểu bang không được mâu thuẫn với hoặc vi phạm Hiến pháp liên bang hay luật lệ và các hiệp ước của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Cũng dễ hiểu khi tồn tại nhiều khu vực mà quyền tài phán giữa liên bang và tiểu bang chồng chéo lên nhau. Trong những năm gần đây, Chính quyền liên bang đảm nhận trách nhiệm rộng lớn hơn trong những lĩnh vực như y tế, giáo dục, phúc lợi, giao thông, gia cư và phát triển đô thị. Do đó, bất cứ nơi nào Chính quyền liên bang hành xử các chức trách trong lãnh thổ tiểu bang, các chương trình thường được duyệt xét trên căn bản hợp tác giữa hai cấp chính quyền hơn là một sự áp đặt từ bên trên.

Giống chính quyền quốc gia, chính quyền tiểu bang cũng có ba nhánh: hành pháp, lập pháptư pháp; có sự tương đồng rất lớn trong chức năng và mục tiêu giữa chính quyền tiểu bang và Chính quyền liên bang. Chức danh đứng đầu nhánh hành pháp tiểu bang là thống đốc, được bầu theo cách phổ thông đầu phiếu, thường là theo nhiệm kỳ bốn năm (trong một vài tiểu bang, nhiệm kỳ này chỉ kéo dài hai năm). Ngoại trừ bang Nebraska theo thể chế độc viện, nhánh lập pháp của các tiểu bang còn lại đều là lưỡng viện, với viện trên gọi là Thượng viện và viện dưới gọi là Viện Dân biểu, Viện Đại biểu hoặc Đại hội đồng. Một số tiểu bang còn gọi toàn bộ nhánh lập pháp của mình, bao gồm hai viện, là "Đại hội đồng", làm cho sự việc trở nên rắc rối hơn. Trong hầu hết các tiểu bang, thượng nghị sĩ phục vụ theo nhiệm kỳ bốn năm trong khi thành viên hạ viện có nhiệm kỳ kéo dài hai năm.

Hiến pháp của các tiểu bang khác nhau trong một số chi tiết, nhưng nhìn chung tuân theo một mô thức tương tự với hiến pháp liên bang, gồm có một tuyên ngôn về quyền của người dân và một phác đồ tổ chức chính quyền. Về các lĩnh vực như điều hành doanh nghiệp, ngân hàng, tiện ích công cộng, và các định chế từ thiện, hiến pháp các tiểu bang có những quy định rõ ràng và chi tiết hơn hiến pháp liên bang. Mỗi bản hiến pháp tiểu bang đều tuyên bố thẩm quyền tối thượng thuộc về nhân dân, và thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc nền tảng cho chính quyền.

Chính quyền Thành phố

Từng là một nước nông nghiệp, ngày nay Hoa Kỳ là một quốc gia đã đô thị hoá cao độ. Có đến 80% dân số hiện sống ở các thị trấn, thành phố lớn, hoặc ở khu ngoại ô của các đô thị. Con số thống kê này nói lên tầm quan trọng của chính quyền các thành phố trong bức tranh toàn cảnh của chính quyền Mỹ. Ở mức độ cao hơn chính quyền cấp liên bang hoặc cấp tiểu bang, thành phố trực tiếp đáp ứng các loại nhu cầu cho người dân, cung ứng mọi thứ từ lực lượng cảnh sát và lính cứu hoả đến luật lệ, quy định về vệ sinh, y tế, giáo dục, giao thông công cộng và gia cư.

Công việc điều hành những thành phố lớn là cực kỳ phức tạp. Thành phố New York có số cư dân đông hơn 41 trong tổng số 50 tiểu bang của nước Mỹ. Người ta nói rằng, chỉ sau chức vụ tổng thống, vị trí hành pháp khó khăn nhất là thị trưởng thành phố New York.

Chính quyền thành phố được thiết lập bởi tiểu bang, được quy định chi tiết về mục tiêu và thẩm quyền, nhưng trong nhiều phương diện các thành phố được vận hành độc lập với tiểu bang. Tuy nhiên, hầu hết thành phố trên đất nước này xem sự cộng tác với các cơ quan của tiểu bang và liên bang là yếu tố nền tảng hầu có thể đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Mô hình của các chính quyền thành phố hiện hữu rải rác trên khắp đất nước là đa dạng, mặc dù hầu hết đều thiết lập một loại hình hội đồng trung ương, được cử tri bầu ra, và một viên chức hành pháp, được hỗ trợ bởi những người đứng đầu sở, ngành, để điều hành các loại sự vụ của thành phố.

Có ba mô hình chính cho chính quyền thành phố: thị trưởng- hội đồng, uỷ ban, hội đồng- nhà điều hành. Hiện có nhiều thành phố phát triển các mô hình tổng hợp từ hai hoặc ba mô hình trên.

Thị trưởng- Hội đồng. Đây là mô hình chính quyền thành phố lâu đời nhất hiện hữu ở Hoa Kỳ, cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn được áp dụng tại hầu hết các thành phố ở đây. Cơ cấu của nó tương tự với chính quyền tiểu bang và quốc gia, với một thị trưởng được cử tri tuyển chọn để đảm nhiệm vị trí đứng đầu nhánh hành pháp, và một hội đồng, thông qua quy trình bầu cử đại diện các khu vực dân cư khác nhau, cấu thành nhánh lập pháp. Thị trưởng chỉ định những người đứng đầu các sở ngành cùng các viên chức khác, đôi khi cần có sự phê chuẩn của hội đồng. Thị trưởng có quyền phủ quyết các đạo luật của thành phố, thường trực chịu trách nhiệm về ngân sách thành phố. Hội đồng thông qua các dự luật, định mức thuế tài sản và phân bổ ngân sách cho các sở ngành.

Ủy ban. Mô hình này kết hợp các chức năng lập pháp và hành pháp vào một nhóm các viên chức, thường là ba người hoặc hơn, được cử tri toàn thành phố tuyển chọn qua bầu cử. Mỗi uỷ viên giám sát sự vụ của một số sở ngành của thành phố. Nhân vật được chỉ định làm chủ toạ ủy ban thường được gọi là thị trưởng, dù quyền hạn của người này cũng chỉ ngang bằng các uỷ viên khác.

Hội đồng- Nhà điều hành. Mô hình nhà điều hành thành phố là một giải pháp nhằm đáp ứng tình hình ngày càng trở nên phức tạp của các vấn nạn đô thị, đòi hỏi kỹ năng cao của nhà chuyên môn mà không thể tìm thấy nơi các viên chức dân cử. Điều cần làm là tin cậy và uỷ thác các quyền hành pháp, gồm quyền thi hành pháp luật và cung ứng các loại dịch vụ công, cho một nhà điều hành chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và được đào tạo tốt.

Mô hình này ngày càng được nhiều thành phố chấp nhận. Theo đó, một hội đồng được dân bầu ra với một ít nghị viên, ban hành luật và thiết lập chính sách cho thành phố, rồi thuê một nhà quản trị được trả lương, gọi là nhà điều hành thành phố, thực thi các nghị quyết của hội đồng. Nhà điều hành sẽ thiết kế ngân sách thành phố và giám sát hầu hết các sở ngành. Thường thì không có nhiệm kỳ cố định; bao lâu hội đồng thành phố còn hài lòng với công việc của nhà điều hành thì người ấy còn duy trì vị trí của mình.

Chính quyền Quận

Quận là một bộ phận của tiểu bang, mỗi quận thường có hai hoặc ba thị trấn và một vài xã. Cấu trúc mô phỏng theo chính quyền thành phố là mô hình phổ biến giống như Quận Mineral, tiểu bang Tây Virginia.

Trong hầu hết các quận ở Hoa Kỳ, một thị trấn hoặc thành phố được chỉ định làm quận lỵ, ở đây tọa lạc các văn phòng chính quyền, cũng là nơi ban uỷ viên hoặc ban giám sát hội họp. Tại các quận nhỏ, thành viên uỷ ban được cử tri toàn quận bầu chọn, trong khi ở các quận lớn, thành viên đại diện cho các khu vực hoặc thị trấn riêng biệt. Uỷ ban chịu trách nhiệm đánh thuế; vay mượn và phân bổ tài chính; ấn định mức lương cho nhân viên của quận; giám sát các cuộc bầu cử; xây dựng và bảo trì xa lộ và cầu cống; và quản lý các chương trình phúc lợi cấp quận, tiểu bang và quốc gia. Tại một số tiểu bang ở vùng New England, quận không có chức năng chính quyền, mà chỉ đơn giản là một sự phân chia địa giới.

Chính quyền Thị trấn, Xã

Hiện có hàng ngàn đơn vị hành chính trong các đô thị. Chúng quá nhỏ để có thể gọi là chính quyền thành phố, nên được gọi là thị trấn hoặc với chức năng giải quyết các nhu cầu của địa phương như lót lề đường, chiếu sáng đường phố; bảo đảm nguồn cung cấp nước; cung ứng lực lượng cảnh sát và cứu hoả; thiết lập các quy định y tế địa phương; vận chuyển và xử lý rác, cống thoát và các loại chất thải; thu thuế để tài trợ các hoạt động của chính quyền; hợp tác với quận và tiểu bang để quản lý hệ thống trường học tại địa phương. Cần lưu ý rằng trong nhiều tiểu bang, từ "thị trấn" không có ý nghĩa đặc biệt nào - chỉ là một từ không chính thức áp dụng cho một khu dân cư (có thể là một phần của đô thị hoặc không). Trong một số tiểu bang, từ "thị trấn" là từ tương đương với dân sự (civil township) được dùng trong các tiểu bang khác.

Ở đây, chính quyền thường được uỷ thác cho một uỷ ban hoặc hội đồng dân cử, được biết với các tên khác nhau: hội đồng thị trấn hoặc xã, ban dân biểu, ban giám sát, ban uỷ viên. Uỷ ban này có thể có một chủ tọa hoặc chủ tịch với chức năng của một viên chức lãnh đạo hành pháp, hoặc là một thị trưởng. Nhân sự chính quyền có thể có một thư ký, thủ quỹ, các nhân viên cảnh sát, cứu hoả, y tế và phúc lợi.

Một khía cạnh độc đáo của chính quyền địa phương, được tìm thấy ở nhiều nơi trong vùng New England, là "kỳ họp thị trấn". Mỗi năm một lần - có thể triệu tập nhiều kỳ họp nếu cần - cử tri có đăng ký trong thị trấn họp với các viên chức dân cử, thảo luận về các vấn đề của địa phương, và thông qua luật để điều hành chính quyền. Các kỳ họp này quyết định về các dự án xây dựng và sửa chữa đường sá, xây dựng các tòa nhà và các tiện ích công cộng, định mức thuế và ngân sách thị trấn. Kỳ họp thị trấn, tồn tại từ hơn hai thế kỷ, thường được nhắc đến như là mô hình tinh tuyền nhất của nền dân chủ trực tiếp, theo đó quyền lực cai trị không được uỷ thác cho các viên chức dân cử, mà được hành xử trực tiếp và thường xuyên bởi nhân dân.

Các cấp chính quyền khác

Các mô hình Chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương nêu trên không phải là toàn bộ đơn vị chính quyền tại Hoa Kỳ. Văn phòng Thống kê Hoa Kỳ (thuộc Bộ Thương mại) đã nhận diện được không ít hơn 84.955 đơn vị chính quyền ở Hoa Kỳ, bao gồm quận, thành phố, thị trấn, khu học chính và đặc khu.

Người dân Mỹ uỷ thác cho chính quyền các cấp thực thi các sứ mạng mà trong những ngày đầu của nền cộng hòa, người dân phải tự làm. Trong thời kỳ thuộc địa, chỉ có một ít cảnh sát và lính cứu hỏa, ngay cả tại các thành phố lớn; chính quyền không phải chịu trách nhiệm thắp sáng hay vệ sinh đường phố. Ở quy mô lớn, người dân phải tự bảo vệ tài sản và chăm sóc các nhu cầu của gia đình mình.

Ngày nay, việc đáp ứng các nhu cầu này được xem là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng, được thực thi thông qua các cơ quan chức năng của chính quyền các cấp. Ngay cả tại các thị trấn nhỏ, các chức trách về cảnh sát, cứu hỏa, phúc lợi và y tế đều do chính quyền đảm trách. Do đó xuất hiện vô số tầng nấc về thẩm quyền.